Delta và SEAL Team 6 là hai lực lượng đặc nhiệm nằm trong một bộ tư lệnh, nhưng có nhiều khác biệt về văn hóa, phương thức tuyển mộ và năng lực tác chiến.
SEAL Team 6 mang tên gọi chính thức là Nhóm Phát triển Tác chiến đặc biệt Hải quân (DEVGRU) và Đội đặc nhiệm Biệt phái Delta số 1 (1st SFOD-D hay Delta) là các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hai đơn vị này dường như không có điểm gì chung ngoài việc cùng nằm trong biên chế Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Liên quân (JSOC) và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tối mật khác nhau, theo SOFREP.
Văn hóa và nhiệm vụ
Các thành viên Delta có sự khác biệt lớn về nền tảng đào tạo, do họ xuất thân từ nhiều đơn vị khác nhau trong các quân binh chủng của Mỹ, thậm chí có cả cựu đặc nhiệm SEAL. “Mọi lính Delta đều được đối xử bình đẳng, bất kể đơn vị họ từng phục vụ”, Craig Sawyer, cựu đặc nhiệm từng phục vụ trong cả lực lượng SEAL và Delta, khẳng định.
Trên thực tế, đa phần thành viên Delta đến từ Trung đoàn biệt kích số 75 lục quân Mỹ. Trong khi đó, lính đặc nhiệm SEAL Team 6 đều xuất thân từ hải quân. “Các ứng viên SEAL phải chứng tỏ được bản thân trong khả năng làm chủ trang bị mới, nắm các chiến thuật và các quy tắc giao chiến trước khi được chấp nhận vào lực lượng này”, Sawer nói.
Hai lực lượng này cũng có sự khác biệt về nhiệm vụ chủ đạo. SEAL Team 6 tập trung vào hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt khủng bố, trong khi đặc nhiệm Delta được tối ưu cho công việc bảo đảm an ninh nội bộ ở nước ngoài và tác chiến phi truyền thống.
Tuyển mộ và huấn luyện
Hai năm một lần, Delta tổ chức khóa tuyển chọn thành viên kéo dài một tháng ở dãy núi Appalachian với sự tham gia của hàng trăm ứng viên đến từ lực lượng đặc nhiệm và các quân binh chủng khác nhau.
Dù họ từng trải qua nhiều khóa huấn luyện khắc nghiệt trước đó, tỷ lệ trượt vẫn thường ở trên mức 90%. Các ứng viên hoàn thành khóa tuyển chọn vẫn có thể bị loại nếu không được hội đồng giám khảo đồng ý.
Sau khi vượt qua vòng loại, các ứng viên phải tham gia Khóa huấn luyện Đặc nhiệm (OTC) kéo dài 6 tháng, nơi có 30-40% binh sĩ tiếp tục bị loại vì không thể theo kịp quá trình huấn luyện căng thẳng.
Trong khi đó, SEAL Team 6 tuyển mộ thông qua việc nộp hồ sơ ứng tuyển và khóa huấn luyện “Green Team”. Khác với Delta, mọi ứng viên ứng tuyển vào SEAL Team 6 đều đến từ lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ. Sau khi nộp hồ sơ, thông tin cá nhân và ảnh của họ sẽ được dán trên tường ở hành lang để từng thành viên SEAL Team 6 quyết định cho gia nhập đơn vị hay không.
Nếu ứng viên được chấp thuận, họ sẽ góp mặt vào khóa huấn luyện “Green Team”, tương tự OTC của Delta nhưng chỉ diễn ra một lần trong năm, nơi thường có 50% binh sĩ thất bại.
Cả hai đơn vị này đều có vũ khí trang bị tốt nhất và được đào tạo chuyên sâu về khả năng tác chiến trong không gian hẹp, giải cứu con tin, bắt giữ mục tiêu giá trị cao và các nhiệm vụ đặc biệt khác. Tuy nhiên, SEAL Team 6 được huấn luyện sâu hơn về các hoạt động tác chiến trên biển do đặc thù của hải quân.
Năng lực tác chiến
SEAL Team 6 và Delta đều thực hiện các chiến dịch đặc biệt như chống khủng bố, giải cứu con tin, trực tiếp tham chiến và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Họ có thể đổi vai trò cho nhau ở mọi thời điểm và luôn tiến hành các chương trình trao đổi chuyên môn.
Khi thực hiện nhiệm vụ cơ bản trên bộ và chống phục kích, Delta có phần vượt trội so với SEAL Team 6. Lính Delta hầu hết xuất thân từ lục quân và được huấn luyện bài bản về tác chiến trên bộ, trong khi SEAL Team 6 chuyên về tác chiến trên biển, khó có thể chuyển hoàn toàn sang vai trò bộ binh.
Thành viên hai đội đặc nhiệm hàng đầu của Mỹ luôn biết giữ bí mật về hoạt động của mình. Tuy nhiên, do các nguồn tin từ chính phủ bị rò rỉ, việc đảm bảo hoạt động bí mật rất khó khăn. Trên thực tế, SEAL Team 6 thường được chú ý nhiều hơn khi thực hiện các nhiệm vụ có sự bảo mật cao.
“Kỷ luật trong việc giữ bí mật là rất nghiêm khắc, nếu thành viên nào tiết lộ, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen”, Sawyer nhấn mạnh.