Sau 1 thời gian mang các sản phẩm Tactical, EDC, Outdoor về phục vụ đông đảo các anh em trên thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải có 1 loạt bài làm rõ các khái niệm cùng với định hướng của mình. Điều này sẽ có lợi cho các bạn mới tham gia, hoặc đang có ý định tham gia vào cộng đồng này. Ở bài đầu tiên này, chúng tôi sẽ giải thích ý tưởng căn bản nhất của chính tên shop: Tactical Là Gì?
1. Military Style
Trong suốt lịch sử từ cổ đại đến trung đại, quân phục của các đế chế và vùng lãnh thổ đều được thiết kế cồng kềnh, có trọng lượng lớn và đạt tiêu chuẩn rất cao về tính thẩm mỹ. Cấu tạo gồm một bộ khung kim loại có công năng để chặn đứng hoặc giảm thiểu thương vong bởi sát thương từ vũ khí cận chiến. Bố trí ở các khu vực lộ liễu, dễ va chạm và các điểm tử huyệt để hạn chế tối thiểu sát thương chí mạng trong lúc ra trận. Ở trên đó, bộ giáp sẽ được chạm khắc hoặc thêu, vẽ lên các hoa văn, ký tự mang ý nghĩa truyền thống, văn hóa của dân tộc, đất nước đó.
Quân nhu trong thời kì này ngoài công năng bảo vệ còn tạo nên sự uy phong và tự hào của người lính. Tông màu chủ đạo là các màu nổi bật như xanh, đỏ, vàng hoặc sự phản xạ ánh sáng từ bề mặt kim loại như sắt, đồng, vàng,…
Tuy nó tạo ra sự bất tiện rất lớn cho người lính trong di chuyển và tác chiến bởi trọng lượng quá nặng và kích thước cồng kềnh, bên cạnh đó là sự phức tạp và khó khăn trong việc bảo dưỡng, vận chuyển. Nhưng với sự hạn chế của khoa học công nghệ, dù là binh hay là tướng, người ta vẫn phải chọn sự bất tiện đó hoặc cái chết.
Mãi cho đến giai đoạn chiến tranh cận và hiện đại, sự xuất hiện của hỏa lực mạnh mẽ đã kéo theo sự phát triển của quân nhu để bảo vệ người lính, giảm thiểu thương vong trên chiến trường.
2. Tactical Style
Trái ngược hẳn với giai đoạn trước đó, khi những cuộc đụng độ không chỉ đơn thuần là cận chiến bằng vũ khí thô sơ gươm đao, giáo mác. Sự phát triển của vũ khí đã nâng tầm chiến tranh trở thành cuộc đấu trí giữa những chiến lược gia, còn người lính trên chiến trường chuyển sang giao chiến chủ yếu ở tầm xa.
Với tính chất này, việc trang phục rực rỡ khi ra trận chẳng khác nào tự biến mình thành món mồi ngon trong tầm ngắm phe địch.
Bên cạnh đó, yêu cầu cơ động ngày càng cao cùng với việc hậu cần thường xuyên bị đánh phá, dẫn tới việc xuất hiện các kiểu quân phục chú trọng đến tính thực dụng. Sử dụng các tone màu chìm vào màu sắc của điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, thảm thực vật và mật độ vật thể của điều kiện tự nhiên). Đây chính là thời điểm ra đời của công nghệ ngụy trang quân sự. Với sứ mệnh hạn chế khả năng bị phát hiện trong một tầm quét quang học, giảm thiểu thương vong cho quân nhân.
Ví dụ điển hình và phổ biến nhất mà chúng ta đã từng nghe đến hoặc thấy qua đó chính là màu Multicam/Camo. Để cắt nghĩa cụ thể, xin hẹn các bạn trong một bài viết khác.
Giai đoạn này manh nha cho nhiều phát kiến khoa học phục vụ chiến tranh. Tuy nhiên, do giới hạn của công nghệ vật liệu nên đa số vẫn rất nặng nề, mặc dù độ bền cao.
3. Giai đoạn hiện đại
Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh (Cold-War), tình hình thế giới có rất nhiều sự thay đổi. Những cuộc giao tranh quy mô lớn giảm đi, dành chỗ cho những xung đột nhỏ hơn giữa các lực lượng ủy nhiệm hoặc giữa các đơn vị tinh nhuệ chống khủng bố và các thành phần phiến quân.
Thêm vào đó, xu hướng quân sự hóa lực lượng cảnh sát ở 1 số quốc gia, cộng với sự xuất hiện các nhà thầu quân sự tư nhân. Đặc biệt không thể không kể tới là xuất hiện 1 lớp người ưa thích sự mạo hiểm, thích du lịch thiên nhiên hoang dã, và chịu sự ảnh hưởng của phong cách quân sự vì bản thân hoặc gia đình là/từng là quân nhân.
Những yếu tố kể trên đã dẫn tới sự phổ biến của những mặt hàng quân trang-quân dụng nhưng được tái thiết kế cho phù hợp hơn với nhu cầu có tính dân sự 1 phần.
Ví dụ: giảm tải trọng lượng bằng cách thay đổi chất liệu cấu tạo, tinh gọn các ngăn chuyên biệt cho vũ khí quân dụng đặc biệt. Sáng tạo và bổ sung thêm các modul hỗ trợ đựng thiết bị điện tử (laptop/tablet/earphone/smartphone/camera,…), thiết bị gia dụng, dân dụng,…
Vài năm trở lại đây, công nghệ vật liệu đã có những bước tiến rất đáng kể, tạo ra những loại vải có trọng lượng ngày càng nhẹ và độ bền ngày càng cao. Bên cạnh đó, sự đa dạng màu sắc, họa tiết, thiết kế đã làm cho đồ đạc, phụ kiện Tactical trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, thì 2 yếu tố là Form (thiết kế bên ngoài) và Function (công năng bên trong) đã ở 1 mức độ cân bằng hoàn hảo.
Nếu trước đây phải lựa chọn giữa những món hàng “chiến” nhưng rất nặng nề bất tiện và đắt tiền. Hoặc những món hàng “ngầu” nhưng nó chợ tới mức không thể chợ hơn; thì bây giờ, nói 1 cách hóm hỉnh là các bạn có thể mang quần áo, giày hoặc phụ kiện như nón, thắt lưng, balo,… tới quán cafe giao lưu bạn bè bình thường mà không ngại bị chỉ trích là lập dị, quái gở.
Biết đâu, chính những món đồ đó cũng đang nằm trên lưng một anh lính nào đó đang đấu súng với phiến quân ở tít bên kia quả địa cầu?
Hiểu rõ được lịch sử hình thành và phát triển, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về giá trị cũng như điểm mặt, đặt tên được niềm đam mê của cá nhân mà trước đây, nếu có ai hỏi đến bạn chỉ lúng túng: “Không biết nữa, thấy nó ngầu ngầu, xịn xịn thì chơi thôi!”