25 C
Hanoi
Thứ hai, 2 Tháng mười hai, 2024

Việc Nga tấn công Ukraine có đồng nghĩa với chiến tranh thế giới lần thứ 3?

Sáng ngày 24/2 giờ Việt Nam, tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh tổng tấn công vào Ukraine, chỉ sau hai ngày khi họ công nhận chủ quyền và bảo hộ cho hai vùng ly khai khỏi Ukraine là Luhansk và Donetsk.

Sự kiện này đã làm suy giảm giá trị trên sàn chứng khoán toàn cầu và báo hiệu cho một giai đoạn khủng hoảng mới về giá xăng dầu, đối với cả Tây Âu và nhiều vùng ở châu Á. Bất chấp nhiều phát ngôn nhằm làm giảm leo thang xung đột trong nhiều ngày qua của hội đồng Liên Hợp Quốc, tổng thống Putin đã lên tiếng một cách đanh thép ngay sau khi chiến tranh nổ ra:

- Quảng cáo -

“Tất cả những quốc gia can thiệp, hoặc dám đe doạ tới đất nước, tới nhân dân của nước Nga nên biết rằng Nga sẽ hành động ngay lập tức và kết quả mà các người phải gánh chịu có thể sẽ còn tồi tệ hơn tất cả những gì từng xảy ra trước đây trong lịch sử. Nước Nga đã sẵn sàng cho mọi kịch bản leo thang của cuộc chiến này. Tất cả những quyết định liên quan đều đã được đưa ra. Ta hy vọng các người sẽ lưu ý”.

Đây giống như một lời đe doạ sẽ phóng vũ khí hạt nhân tới bất kỳ quốc gia nào dám nhân sự kiện này để ngang nhiên đối đầu với nước Nga. Vậy thì, tình hình chiến sự ở Ukraine rồi sẽ diễn tiến tiếp tục ra sao, liệu đây có phải là một cuộc chiến để thay đổi trật tự thế giới, và chúng ta có phải lo sợ về một cuộc chiến diễn ra giữa hai liên minh là Nga – Trung và Mỹ – Tây Âu không?

Bài viết này hy vọng sẽ giải đáp được một chút tò mò của bạn.

Hoàn cảnh lịch sử

Sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc, các nước trên thế giới đã ký vào một hiệp ước quy định từ giờ trở đi không có quốc gia nào được tuyên bố chủ quyền trên một vùng lãnh thổ mà mình chiếm được bằng vũ lực. Đây là một trong những sự kiện có tầm quan trọng bậc nhất trong lịch sử. Nó còn được nhớ đến với tư cách là sự kiện phân chia trật tự thế giới.

Sở dĩ gọi là “phân chia trật tự thế giới” là bởi từ đó trở đi, các quốc gia sẽ không còn có thể sử dụng chiến tranh để thâu tóm các nước khác. Nó giống như một dạng quota, đóng khung lợi ích và thứ bậc của mỗi quốc gia trên thế giới. Từ giờ trở đi, việc cạnh tranh sẽ được diễn ra trên các phương diện về kinh tế, khoa học và ngoại giao.
Dù việc ấy đã giúp thế giới trải qua khoảng 50 năm tương đối hoà bình, luôn có những đế quốc cảm thấy không hài lòng với miếng bánh mà mình được chia. Việc đó đã từng khiến nước Đức trỗi dậy trong Đệ Nhị Thế Chiến, và giờ điều đó dường như đang lặp lại với Nga.

Mặc dù vậy, việc Nga xâm lược Ukraine hôm nay không đơn thuần chỉ là một động thái kiêu căng và bá quyền. Thậm chí, Nga dường như đang phải đóng vai ác trên một sân khấu NATO dựng nên.

- Quảng cáo -

Từ góc nhìn của nước Nga

Có một điều mà không phải ai cũng hiểu. Đó là đối với các vùng lãnh thổ khổng lồ như Nga hay Trung Quốc, để thống nhất được một vùng đất lớn đến như vậy không chỉ cần có chung một ngôn ngữ, hay một bậc quân vương tài giỏi, bạn còn cần một hệ tư tưởng dân tộc ăn sâu trong tiềm thức của con dân.

Ở Trung Quốc, người dân có một niềm tự hào rất lớn vì họ là hậu duệ của dân tộc Trung Hoa, một dân tộc đã làm được nhiều điều thần kỳ và vươn mình ra khắp cả thế giới. Ở Nga cũng vậy, người Nga luôn khao khát có lại được một vị thế mà thế giới phải nể sợ. Dù cho thời kỳ của Liên Bang Xô Viết trước đây có đống nghĩa với nhiều áp bức và bất công, họ vẫn mong có lại được niềm kiêu hãnh năm xưa.
Đây là thứ đã được nằm trong ý thức hệ của người Nga, cũng là lý do vì sao Putin được cả nước Nga tín nhiệm đến thế. Cách người Nga muốn có lại vùng lãnh thổ phía Tây cũng giống như cách mà người Hồi Giáo mong mỏi giành lại được thánh địa Jerusalem từ tay người châu Âu trong cuộc chiến thập tư chinh thời Trung Cổ. Nhưng chừng đó là vẫn chưa đủ “thế” và “lực” để Nga phát động một cuộc chiến như vậy.
Hành động lôi kéo, kết nạp Ukraine vào khối liên minh Bắc Đại Tây Dương đồng thời triển khai nhiều cứ điểm quân sự và hạt nhân bên trong quốc gia này chính là ngòi nổ cho sự kiện không đáng có hôm nay. Các chuyên gia nghiên cứu cũng đã từng nêu lên quan điểm rằng nếu Tây Âu dồn ép quá mức đến nước Nga thì một ngày khi con gấu trỗi dậy, tất cả mọi người sẽ phải run sợ. Cuộc chiến lần này tại Ukraine về một mặt, đã vi phạm những quy chuẩn về đạo đức quốc tế, nhưng đó cũng là một biện pháp sống còn của nước Nga nếu không muốn bị suy tàn trong nhục nhã.
Và Nga cũng đã tuyên bố rõ, mục đích tấn công của họ không phải là để tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ Ukraine. Thế nên, họ cũng chưa từng vi phạm hiệp ước phân chia trật tự thế giới. Sau khi chiến tranh nổ ra, tổng thống Putin cũng đã ra tối hậu thư đến các nước NATO và Mỹ rằng không được phép tiếp tục mở rộng biên giới về phía Đông như hai bên đã từng ký năm 1997.
Mục đích lần này của Nga đơn giản chỉ là kẻ rõ một lằn ranh giới hạn cho NATO và để Ukraine thấy rằng họ nên nghiêng về phía nào. Chiến tranh vẫn sẽ còn diễn ra cho đến khi Nga phá huỷ toàn bộ các cứ điểm quân sự và xoá bỏ hệ thống chính trị lãnh đạo hiện tại của Ukraine. Nhưng điều đó có lẽ sẽ không kéo dài quá hai tuần một khi Nga đã phát động chiến tranh tổng lực trên mọi phương diện. Ukraine dường như đang bị nuốt chửng.

Chiến tranh thế giới lần thứ 3?

Sự kiện này có phải là cuộc châm ngòi cho Đệ Tam Thế Chiến không? Vì sự tồn vong của nhân loại, cá nhân tôi cho rằng sẽ không quốc gia nào làm điều này cả. Kịch bản xấu nhất đồng nghĩa với sự huỷ diệt của nền văn minh hiện tại và đưa mọi thứ trở về với thời kỳ đồ đá. Nhưng chính Putin cũng đã từng nói: “Cần gì một thế giới nếu ở đó không có nước Nga!”. Câu nói ấy có thể hiểu như một phát ngôn về lòng tự tôn của đất nước có vùng lãnh thổ lớn nhất thế giới này.
NATO cũng sẽ không tổng tấn công vào Nga để trả đũa, đơn giản là vì Ukraine vẫn chưa phải là một phần của NATO. Sau sự kiện này, gần như các quốc gia NATO cũng sẽ không muốn kết nạp Ukraine bởi vì chính họ cũng sẽ không muốn đất nước của mình có chiến tranh. Nước đi của Putin đã kẻ rõ một lằn ranh cuối cùng cho NATO về việc nếu còn tiếp diễn, chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ diễn ra.

Dù tình hình hiện tại dành cho 44 triệu người ở Ukraine đang rất tồi tệ, liên hợp quốc vẫn sẽ ra sức kêu gọi, các nước Tây Âu cũng sẽ viện trợ vũ khí và cứu trợ, nhưng gần như những người Ukraine sẽ phải tự chiến đấu để bảo vệ mình. Sẽ không có quốc gia nào muốn ngang nhiên đối đầu với Nga cả. Thay vào đó, họ sẽ viện cớ để chỉ trích, đổ lỗi, cáo buộc và đưa ra các lệnh trừng phạt về kinh tế để làm Nga suy yếu hơn nữa, ít nhất là cho tới ngày Nga không còn là một đất nước có tiềm lực và nguy hiểm.
Nhưng trong lúc cả thế giới quay lưng với Nga thì họ đã có một đồng minh hùng mạnh về kinh tế là Trung Quốc. Dù mối quan hệ của Nga và Trung Quốc lúc này chỉ là liên kết, không phải là liên minh, đó vẫn là tất cả những gì mà Nga cần để sẵn sàng đón đầu tất cả những lệnh trừng phạt từ quốc tế trong những năm tới. Tây Âu, sau khi đã không còn nguồn cung dầu khí từ Nga sẽ xoay sở ra sao trong mùa Đông sắp tới, đó là câu chuyện vẫn cần thời gian trả lời.
Các nhà trí thức và những nhà hoạt động nhân đạo rồi sẽ còn tiếp tục lên án Putin như một kẻ độc tài khát máu và vĩ cuồng trong rất nhiều năm. Nhưng sau cùng, họ không phải là người Nga, cũng không hiểu được vì sao lần này Putin nhất định phải tấn công Ukraine.
Còn lại, trong chính trị vốn không có đúng sai. Chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh cửu.

– Wick –

Theo Mann Up

- Quảng cáo -

Gửi phản hồi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Quảng cáo -
- Quảng cáo -
- Quảng cáo -

XEM NHIỀU

- Quảng cáo -