23 C
Hanoi
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Phân biệt 5 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Nga.

Lực lượng vũ trang Nga sở hữu nhiều đơn vị đặc nhiệm có sức chiến đấu cao, từng lập nên nhiều chiến công huyền thoại.

Các nhóm lính nhỏ, được trang bị hiện đại và đặc biệt tinh nhuệ luôn có khả năng thay đổi cục diện trên chiến trường, nhất là khi đối mặt với những đội quân ô hợp, tổ chức và trang bị kém. Điều này khiến quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn đầu tư nhiều nguồn lực cho các đơn vị đặc nhiệm (spetsnaz), nhằm xây dựng nên những lực lượng tác chiến cực kỳ tinh nhuệ,

- Quảng cáo -

Đặc nhiệm Alfa và Vympel

Sau vụ khủng bố nhắm vào đoàn vận động viên Israel tham gia Olympic tại thành phố Munich, Đức năm 1972 khiến 11 người chết, Liên Xô thành lập lực lượng chống khủng bố Alfa trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) vào năm 1974 để đối phó với nguy cơ tương tự.

Lực lượng Alfa ngày nay trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), có tên chính thức là “Cục A thuộc Trung tâm Đặc nhiệm FSB”. Nhiệm vụ chính của Alfa là ngăn ngừa và phản ứng trước các hành động bạo lực tại nơi công cộng, cũng như tác chiến bí mật trong lãnh thổ Nga và nước ngoài. Cơ cấu tổ chức của Alfa không được công bố, nhưng đơn vị này được cho là nhận mệnh lệnh trực tiếp từ các lãnh đạo cao nhất của Nga.

Thành tích nổi tiếng nhất của Alfa là cuộc giải cứu các nhà ngoại giao Liên Xô bị Tổ chức Giải phóng Hồi giáo (ILO) bắt cóc ở Lebanon năm 1985. Ban đầu, Liên Xô mở một số kênh đàm phán với hy vọng các nhà ngoại giao sẽ được trả tự do an toàn. Nhưng mọi thứ thay đổi khi ILO hành quyết con tin đầu tiên chỉ hai ngày sau khi đưa ra yêu sách.

Đội đặc nhiệm Alfa được đưa tới Lebanon và thi hành chính sách “không đàm phán với khủng bố”, thực hiện những hành động “ăn miếng trả miếng” quyết liệt nhất để buộc ILO phải thả con tin. Hoạt động thực tế của họ tại Lebanon vẫn còn gây tranh cãi, nhưng đặc nhiệm Alfa được cho là đã bắt cóc người thân các tay súng ILO và gửi từng phần cơ thể về cho gia đình.

- Quảng cáo -

Việc ba con tin được thả nhanh chóng sau khi Alfa xuất hiện tại Lebanon là điều mà các lực lượng giải cứu con tin tinh nhuệ của Mỹ chưa từng làm được. Chính sách đối phó trong chiến dịch này gây tiếng vang và sức răn đe đến mức không có nhà ngoại giao Liên Xô và Nga nào bị khủng bố bắt cóc cho tới năm 2006.

Trong khi đó, đặc nhiệm Vympel được thành lập từ năm 1981, cũng trực thuộc KGB trước kia và FSB ngày nay. Đơn vị này chuyên tác chiến ở hậu phương địch, cũng như bảo vệ cơ sở ngoại giao của Liên Xô và Nga ở nước ngoài. Hoạt động của Vympel vẫn là bí mật, nhưng đây được đánh giá là một trong những đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Liên Xô.

Đặc nhiệm VDV

Lực lượng đặc nhiệm thuộc Binh chủng Đổ bộ đường không (VDV) Nga không hoạt động rộng khắp thế giới mà nhiệm vụ chính của họ là xâm nhập hậu phương địch, chiếm cứ điểm và chuẩn bị bãi đáp cho quân chủ lực. Các đơn vị này thường hoạt động trong bán kính 2.000 km từ căn cứ VDV.

Toàn bộ lực lượng đặc nhiệm VDV hiện nay thuộc biên chế Lữ đoàn trinh sát độc lập Cận vệ số 45, với quân số không dưới 1.000 người. Đơn vị này từng tham gia tấn công thành phố Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần đầu tiên.

- Quảng cáo -

Các tay súng Chechen dường như bị sốc khi đối mặt với những cuộc đột kích “im lặng” của đặc nhiệm VDV. Họ bí mật chiếm từng ngôi nhà, mở đường cho bộ binh cơ giới đi sau. Nhiều đơn vị Chechen thậm chí đã biến mất mà không để lại dấu vết sau các cuộc đột kích của đặc nhiệm VDV.

Đặc nhiệm GRU

Đơn vị đặc nhiệm đầu tiên của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) Liên Xô được thành lập vào năm 1950, trở thành “tai mắt” của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô. Đặc nhiệm GRU thường được triển khai trong các hoạt động bí mật khắp thế giới, chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng chứ không phải lãnh đạo Liên Xô và Nga như các lực lượng khác.

Sau khi Liên Xô tan rã, ngân sách cho GRU bị cắt giảm đáng kể, làm giảm sức chiến đấu của đơn vị đặc nhiệm này. Họ bị chỉ trích nặng nề vì sự kém hiệu quả trong cuộc chiến Gruzia năm 2008, dẫn tới hàng loạt thay đổi trong cơ cấu tổ chức và huấn luyện.

Đặc nhiệm GRU đóng vai trò lớn trong sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. “Sau thắng lợi này, đặc nhiệm GRU trở thành vũ khí bí mật ưa thích của Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, nhận xét.

Đặc nhiệm hải quân

Những đơn vị đặc nhiệm người nhái đầu tiên của Liên Xô xuất hiện trong cuộc bao vây Leningrad năm 1941, nhằm bảo vệ thành phố và lực lượng thuộc Hạm đội Baltic. Họ đã nhiều lần giao chiến với xuồng phóng lôi thuộc Hải đoàn tiến công số 12 của Italy, ngăn chúng tiếp cận tàu chiến, cầu, trung tâm thông tin và cơ sở hạ tầng Liên Xô.

Lực lượng này hiện nay được triển khai tại mọi căn cứ hải quân của Nga, với thành phần là những binh sĩ hải quân thiện chiến nhất. Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm an ninh, chống hoạt động do thám và phá hoại nhằm vào các quân cảng và tàu chiến. Khi nổ ra chiến tranh, đặc nhiệm hải quân Nga có thể tiến hành nhiều chiến dịch gây rối, phá hoại cơ sở hạ tầng và khí tài trong vùng biển đối phương.

Lực lượng đặc biệt (SSO)

SSO là đơn vị mới nhất trong các lực lượng đặc nhiệm Nga, được thành lập từ năm 2009 và trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga. Binh sĩ SSO được tuyển từ mọi quân binh chủng thuộc lực lượng vũ trang nước này.

Phần lớn thông tin về SSO vẫn được giữ bí mật, nhưng lực lượng này từng xuất hiện ở Crimea, Syria và có nhiều cuộc giao chiến với cướp biển Somalia. Một trong những thành tích nổi tiếng nhất của SSO diễn ra hồi giữa năm 2017, khi 16 sĩ quan đặc nhiệm đẩy lùi đợt tấn công của 300 phiến quân Syria.

Hoạt động tác chiến của SSO cũng gây bất ngờ, thay đổi cách nhìn của giới chuyên gia phương Tây về quân đội Nga. Họ không chỉ có vũ khí trang bị tối tân mà còn sở hữu nhiều hệ thống điện tử hiện đại, chuyên dùng cho nhiệm vụ trinh sát và chỉ thị mục tiêu, khác xa với những chiến dịch chống khủng bố của Nga trong thập niên 1990.

- Quảng cáo -

Gửi phản hồi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Quảng cáo -
- Quảng cáo -
- Quảng cáo -

XEM NHIỀU

- Quảng cáo -